Trung Quốc vừa ra mắt thiết bị cắt cáp biển sâu, có thể phá hủy các tuyến cáp và đường dây điện quan trọng dưới đáy đại dương, đe dọa mạng lưới thông tin và hạ tầng năng lượng toàn cầu.
Thiết bị này được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tàu thủy Trung Quốc (CSSRC) và Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Tàu lặn có người lái dưới biển sâu. Mục tiêu của thiết bị là những tuyến cáp bọc thép - cấu tạo từ thép, cao su và polymer, hiện vận chuyển tới 95% lưu lượng dữ liệu toàn cầu.
Thiết bị có thể cắt cáp ở độ sâu lên tới 4.000 mét (tương đương 13.123 feet), gấp đôi độ sâu trung bình của hạ tầng cáp liên lạc dưới biển hiện nay. Nó được thiết kế để tích hợp vào các tàu lặn có người lái và không người lái tiên tiến của Trung Quốc, bao gồm dòng Fendouzhe (Nhà Chinh phục) và Haidou.
Nỗi lo về an ninh và sự ổn định liên lạc toàn cầu
Ban đầu được phát triển để phục vụ công tác cứu hộ dân sự và khai thác khoáng sản dưới đáy biển, nhưng tiềm năng lưỡng dụng của thiết bị này đang khiến nhiều quốc gia lo ngại. Ví dụ, nếu cáp bị cắt gần các điểm nghẽn chiến lược như Guam - nơi giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ chuỗi đảo thứ hai của quân đội Mỹ điều đó có thể làm gián đoạn liên lạc toàn cầu và khơi mào cho một cuộc khủng hoảng địa chính trị, theo tờ South China Morning Post.

Nhóm nghiên cứu do kỹ sư Hồ Hạo Long (Hu Haolong) dẫn đầu cho biết trong một bài báo khoa học được bình duyệt, đăng trên tạp chí Cơ khí Kỹ thuật (Mechanical Engineer) bằng tiếng Trung ngày 24/2, rằng thiết kế của thiết bị đã giải quyết được hàng loạt thách thức kỹ thuật khắc nghiệt dưới biển sâu. Ở độ sâu 4.000 mét, áp suất nước vượt quá 400 atm; để chống lại điều này, vỏ ngoài hợp kim titan và các vòng đệm dầu đặc biệt của thiết bị giúp ngăn hiện tượng vỡ nổ ngay cả khi hoạt động kéo dài.
Các lưỡi dao thông thường không thể xử lý được cáp bọc thép. Để khắc phục, nhóm của Hồ đã phát triển một bánh mài phủ kim cương đường kính 150 mm (6 inch), quay với tốc độ 1.600 vòng/phút, đủ sức nghiền nát lớp thép nhưng vẫn hạn chế làm xáo trộn trầm tích biển.
Thiết bị được thiết kế để hoạt động trên tàu lặn có nguồn năng lượng hạn chế, với động cơ 1 kilowatt kết hợp hộp số giảm tốc 8:1, đạt được mô-men xoắn 6 Newton-mét và hiệu suất tối ưu, dù sử dụng trong thời gian dài có thể gây nóng quá mức. Thiết bị cũng tích hợp công nghệ định vị tiên tiến để đảm bảo căn chỉnh chính xác, ngay cả khi vận hành bằng cánh tay robot trong điều kiện gần như không có tầm nhìn.
Trung Quốc tăng cường phát triển mạng lưới hạ tầng dưới biển
Việc ra mắt thiết bị này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tham vọng mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc dưới đáy đại dương. Bắc Kinh hiện đang vận hành đội tàu lặn có người lái và không người lái lớn nhất thế giới, đủ khả năng tiếp cận mọi khu vực trên các đại dương toàn cầu.
Thiết bị cắt cáp mới, có thể hoạt động từ các nền tảng không người lái hoạt động bí mật, mang tiềm năng khai thác các điểm nghẽn chiến lược mà không cần phải nổi lên mặt nước. Khả năng này đã trở thành đề tài thảo luận sôi nổi trong giới nghiên cứu quân sự, đặc biệt sau sự kiện đường ống dẫn khí đốt dưới biển của Nga bị phá hoại bởi các bên chưa xác định trong cuộc chiến với Ukraine.

Tuy vậy, các nhà khoa học Trung Quốc nhấn mạnh rằng thiết bị này, vốn đã chứng minh khả năng cắt đứt cáp dày 60 mm trong các thử nghiệm trên cạn, được thiết kế để phục vụ mục đích “phát triển tài nguyên biển”, trong bối cảnh các quốc gia ngày càng hướng sự chú ý đến việc khai thác nguồn lực từ đại dương.
Dù mục đích chính là dân sự, bước đột phá này cũng sẽ giúp Trung Quốc tăng cường năng lực phát triển tài nguyên biển, thúc đẩy nền kinh tế biển và củng cố vị thế cường quốc hàng hải, điều được coi là then chốt trong chiến lược dài hạn của quốc gia, theo nhận định của nhóm nghiên cứu.
Tháng trước, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một “trạm không gian” dưới đáy Biển Đông ở độ sâu 2.000 mét, được thiết kế để chứa ít nhất 6 người sinh hoạt và làm việc trong thời gian tối đa một tháng.
Bojan Stojkovski là một nhà báo tự do, các bài viết của ông đã xuất hiện trên Foreign Policy, ZDNet và Nature. Bài viết được đăng trên Interesting Engineering vào ngày 22/3/2025.
Interesting Engineering là trang tin tức công nghệ và khoa học, chuyên cập nhật những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Ra mắt năm 2011, nền tảng này cung cấp nội dung hấp dẫn về AI, năng lượng tái tạo, hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực đột phá khác.
Biên dịch: Thu Hoài